Công ty ông Nguyễn Đức Hiếu thỏa thuận với người lao động làm công việc lái xe ô tô từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngoài thời gian đó công ty ông trả tiền làm thêm giờ là 150%-180% cho ngày trong tuần và 200% cho thứ Bảy và Chủ nhật. Ông Hiếu hỏi, công ty ông thực hiện trả lương cho người lao động về thời giờ làm việc như vậy có đúng không? Nếu giờ làm thêm của lái xe nhiều hơn 300 giờ/năm, có vi phạm quy định không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Hiếu như sau:
Theo Điều 104, Bộ Luật lao động năm 2012 quy định thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động như sau:
– Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần.
– Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần .
Quy định về làm thêm giờ
Tại Điều 106, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Căn cứ Điều 4, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ, việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm chỉ được áp dụng đối với các trường hợp:
– Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
– Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
– Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn như: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh; hoặc thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Trường hợp công ty ông Nguyễn Đức Hiếu có thỏa thuận với người lao động thời giờ làm việc bình thường hàng ngày từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều bằng 11 giờ làm việc trong một ngày, hàng tuần làm việc từ thứ hai đến thứ sáu bằng 55 giờ làm việc trong một tuần là vi phạm quy định về thời giờ làm việc.
Công ty cần thực hiện đúng quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Trường hợp áp dụng giờ làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Do tính chất công việc mà công ty cần thiết phải huy động làm thêm giờ thì không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; Không quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Khi người lao động làm việc thêm giờ công ty phải trả lương làm việc thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ Luật lao động như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Theo Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chỉ được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến dưới 300 giờ trong 1 năm đối với trường hợp sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước. Nếu không thuộc trường hợp này, công ty chỉ được phép huy động người lao động làm thêm giờ không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, việc huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian đó là vi phạm pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
http://baodientu.chinhphu.vn