Xã hội, cộng đồng

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người lao động phải làm sao?

Doanh nghiệp cố tình ăn chặn tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), thậm chí lách luật, áp dụng nhiều hình thức lao động khác nhau để trốn đóng BHXH. Vậy người lao động nên làm gì khi công ty không đóng BHXH cho mình?

Ai bắt buộc phải tham gia BHXH?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là công dân Việt Nam bắt buộc phải tham gia BHXH khi:

– Làm việc theo hợp đồng có thời hạn/không có thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

– Làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

……

Nên làm gì khi công ty không đóng BHXH?

Khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khẳng định, người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Chính vì vậy, khi phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động nên thực hiện theo trình tự dưới đây:

1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty

Đây là những người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.

(Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Cả hai lần khiếu nại, người lao động đều có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn.

– Đồng thời, nên khiếu nại đích danh. Nếu khiếu nại nặc danh thì có thể đơn khiếu nại sẽ không được giải quyết, vì người giải quyết khiếu nại sẽ không biết phải gửi văn bản trả lời giải quyết khiếu nại đến ai.

3. Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết (không bắt buộc)

Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp (Điều 202 Bộ luật Lao động 2012).

4. Khởi kiện đến Tòa án nhân dân

Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:

– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;

– Hoà giải không thành;

– Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải;

– Công ty vẫn không đóng.

(Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Trên đây là những việc người lao động nên làm khi công ty không đóng BHXH cho mình. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn các quá trình của mình khi tham gia BHXH, độc giả có thể tham khảo tại đây.

(Nguồn. Luật Việt Nam)

 

 

Share
Tags: ai bắt buộc phải tham gia bhxh bao hiem xa hoi BHXH Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội chính sách bảo hiểm xã hội công ty không đóng bhxh Doanh nghiệp cố tình ăn chặn tiền bảo hiểm xã hội doanh nghiệp trốn đóng bhxh doanh nghiệp trốn đóng bhxh người lao động nên làm gì đối tượng tham gia bhxh luật bảo hiểm xã hội luật bảo hiểm xã hội mới nhất luật bảo hiểm xã hội năm 2014 nên làm gì khi công ty không đóng BHXH cho mình tham gia bảo hiểm xã hội tham gia bhxh thương binh và xã hội trốn đóng bảo hiểm xã hội