Ai sẽ được tăng lương trong năm 2019, mức tăng cụ thể với từng đối tượng… là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm bởi cuối năm 2018, nhiều văn bản quan trọng điều chỉnh chính sách tiền lương đã được ban hành.

Cuối năm 2018, đã có nhiều văn bản quan trọng điều chỉnh chính sách tiền lương năm 2019 được ban hành. Theo đó, nhiều đối tượng sẽ được tăng lương từ ngày 01/01/2019.

1 – Người lao động có lương dưới mức tối thiểu vùng

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp. Theo Nghị định này, từ ngày 01/01/2019, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. (Các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước được phân chia thành 4 vùng để tính mức lương tối thiểu. ). Cụ thể:

– Vùng 1: 4.180.000 đồng/tháng, trước đây là 3.980.000 đồng/tháng;

– Vùng 2: 3.710.000 đồng/tháng, trước đây là 3.530.000 đồng/tháng;

– Vùng 3: 3.250.000 đồng/tháng, trước đây là 3.090.000 đồng/tháng;

– Vùng 4: 2.920.000 đồng/tháng, trước đây là 2.760.000 đồng/tháng.

Đối tượng áp dụng mức lương trên gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Như vậy, từ năm 2019, người lao động nào đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nêu trên thì được tăng lương với mức tăng ít nhất bằng với mức lương tối thiểu vùng.

Theo Bộ luật Lao động 2012, doanh nghiệp không được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, riêng với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề, phải trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng ít nhất 7%.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

2 – Cán bộ, công chức, viên chức

Tại Nghị quyết 70/2018/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Quốc hội chủ trương tăng lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng kể từ thời điểm 01/7/2019.

Do mức lương cơ sở tăng, mức lương, phụ cấp của cán bộ, công chức cũng sẽ tăng lên tương ứng. Điển hình như chức danh Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND cấp xã, mức lương trước ngày 01/7/2019 là 2.988.500 đồng với bậc 1 và 3.683.500 đồng với bậc 2 thì từ ngày 01/7/2019, mức lương tăng lên 3.203.500 đồng với bậc 1 và 3.948.500 đồng với bậc 2. Lương của các chức danh khác cũng sẽ tăng từ khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng.

3 – Người đang hưởng lương hưu hàng tháng

Với việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2019, không chỉ cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước được tăng lương mà cả những cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng cũng sẽ được tăng lương hưu.

Tại Nghị quyết 70/2018/QH14, Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu cùng với các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở.

(Nguồn. infonet.vn)