Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng được pháp luật ưu tiên. Vậy theo quy định mới nhất, lao động nữ mang thai bao nhiêu tuần thì được về sớm 1 tiếng? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
1. Mang thai bao nhiêu tuần thì được về sớm 1 tiếng?
Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận, lao động nữ sẽ được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày hoặc chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng, an toàn hơn mà không bị cắt giảm tiền lương cùng các quyền và lợi ích khác nếu thuộc một trong 03 trường hợp sau:
(1) Đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà mang thai và thông báo cho người sử dụng lao động biết về việc mang thai.
(2) Đang làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà mang thai và thông báo cho người sử dụng lao động biết về việc mang thai.
(3) Đang làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con mà mang thai và thông báo cho người sử dụng lao động biết về việc mang thai.
Theo đó, người lao động làm các công việc đặc thù kể trên chỉ cần phát hiện mang thai và thông báo cho người sử dụng lao động thì sẽ được về sớm 01 tiếng.
Quyền lợi về sớm 01 tiếng mỗi ngày làm việc được thực hiện kể từ lúc người lao động có thông báo đến người sử dụng lao động cho đến trước thời điểm con của người lao động đó tròn 01 tuổi.
Việc nghỉ sớm 01 tiếng hằng ngày sẽ đảm bảo về mặt sức khỏe cho lao động nữ mang thai bởi trước đó họ đang phải làm những công việc vất vả, nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
2. Được về sớm nhưng không về, ở lại làm thêm được không?
Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép lao động nữ đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con được giảm về sớm 01 tiếng khi mang thai.
Tuy nhiên cũng không quy định nào cấm người lao động làm thêm trong thời 01 tiếng nghỉ kia.
Do đó, nếu đảm bảo các điều kiện về làm thêm giờ theo Điều 107 Bộ luật Lao động như:
– Có sự đồng ý của người lao động.
– Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp đặc biệt.
Về vấn đề tiền lương khi vẫn làm việc trong thời gian nghỉ, Công văn 308/CV-PC 2022 về việc thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã hướng dẫn áp dụng tương tự như chính sách quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động; điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP để các chính sách đối với lao động nữ được thống nhất.
Theo đó, nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được công ty đồng ý để tiếp tục làm việc đủ thời gian thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ.
3. Bắt thai phụ làm đủ giờ mà không tính thêm tiền, công ty có bị phạt?
Việc giảm 01 giờ làm việc hằng ngày là quyền lợi của người lao động mang thai được hưởng nếu đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Nếu đã được người lao động thông báo về việc mang thai mà không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm cho lao động nữ đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (theo điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Trên đây là giải đáp thắc mắc cho câu hỏi: “Mang thai bao nhiêu tuần thì được về sớm 1 tiếng?”. Nguồn từ Luatvietnam.