Trong năm 2014 này, một số điều chỉnh về luật lao động ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động trên khắp cả nước. Dưới đây là những thông tin nổi bật về phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập, mức lương tối thiểu vùng:
1. Mức đóng phí công đoàn 2014
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ ngày 1/1/2014, tiền lương làm căn cứ xác định mức đóng phí công đoàn được tính như sau:
– Người làm việc trong đơn vị sự nghiệp hưởng lương nhà nước, tổ chức chính trị… là tiền lương cấp bậc, chức vụ; lương theo hợp đồng lao động, làm việc cộng với các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên.
– Đối với tổ chức kinh tế, hợp tác xã, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế… là tiền lương thực lĩnh chưa trừ BHXH, BHYT, BHTN.
– Đối với doanh nghiệp khó xác định tiền lương thì sẽ do Ban chấp hành công đoàn quyết định nhưng tối thiểu phải bằng tiền lương cơ sở
– Người đang công tác tại nước ngoài thì mức đóng đoàn phí sẽ dựa trên tiền lương trong hợp đồng lao động và không giới hạn mức tối đa như trước đây
Hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014
2. Mức đóng BHXH tăng 26%
Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hồ Chí Minh vừa ra thông báo 4837/ TB-BHXH về mức đóng BHXH đối với các đối tượng tham gia BHXH là 26% tiền lương tiền công. Trong đó
– Người sử dụng lao động: 18%
– Người lao động : 8%
Mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (2%) và Bảo hiểm Y tế (4.5%) vẫn thực hiện theo văn bản cũ
Thông báo có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.
3. Tránh đánh hai lần Thuế thu nhập
Vừa qua ngày 24/12/2013 Bộ tài chính vừa cho ban hành Thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với loại thuế thu nhập và tài sản.
– Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam
– Đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ việc trực tiếp sử dụng, khai thác hoặc cho thuê các loại bất động sản tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam.
– Đối tượng cư trú nhận được tiền lãi cổ phần mà pháp luật Việt Nam không quy định thu thuế thu nhập hoặc thu thuế với một mức thuế suất thấp hơn quy định tại Hiệp định thì thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 06/02/2014.
4. Tăng mức lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng mới đối với Người lao động (NLĐ) làm việc ở Doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2014 đã tăng khoảng 14% so với năm 2013, với mức thay đổi cụ thể như sau:
– Vùng IV là 1.900.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng/tháng so với trước đây (mức lương tối thiểu theo quy định cũ là 1.650.000 đồng/tháng);
– Mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I tăng từ 2.350.000 đồng/tháng lên 2.700.000 đồng/tháng, tăng 350.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành;
– Mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II và III cũng tăng 300.000 đồng/tháng lên 2.400.000 đồng/tháng và 2.100.000 đồng/tháng (trước đây là 2.100.000 đồng/tháng và 1.800.000 đồng/tháng).
Nghị định có hiệu lực ngày 31/12/2013