Chế độ bảo hiểm và giải quyết thôi việc của Doanh nghiệp

Câu hỏi : Tôi làm việc tại Công ty CDCC theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Từ năm 2011 trở về trước, Cty hằng tháng trích 28,5% tiền lương của tôi để nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Vừa qua, tôi xin thôi việc. Nhưng sau hơn 2 tháng kể từ ngày tôi nộp đơn, Công ty chỉ ra quyết định cho tôi nghỉ việc không hưởng lương. Đề nghị luật sư tư vấn, việc thu tiền bảo hiểm và cách giải quyết đề nghị thôi việc của Cty có đúng luật không?

Trả lời: Tiến sĩ – luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch HĐTV Cty luật TNHH YouMe (ĐT: 0913.55.99.44. Website: www.youmevietnam.com) trả lời:

1. Theo quy định tại khoản 1, Điều 91 Luật BHXH (có hiệu lực từ 1.1.2007) thì hằng tháng, người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.

Theo quy định tại điểm a khoản 1, Điều 13 Luật BHYT, thì mức đóng hằng tháng của NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên này tối đa bằng 2% mức tiền lương, tiền công tháng của NLĐ (áp dụng từ ngày 1.7.2009).

Nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo quy định tại khoản 1, Điều 102 Luật BHXH, thì NLĐ còn phải đóng 1% tiền lương, tiền công tháng cho quỹ BHTN (áp dụng từ ngày 1.1.2009).

Căn cứ vào các quy định trên, việc Cty trích tới 28,5% tiền lương, tiền công tháng của ông để nộp BHXH, BHYT là trái với quy định của pháp luật về BHXH và BHYT.

2. Theo quy định tại khoản 3, Điều 37 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung: NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng LĐ biết trước 45 ngày, NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày. Tại điểm b khoản 1, mục III thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 22.9.2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9.5.2003 của Chính phủ về HĐLĐ, thì việc báo trước thực hiện bằng văn bản và số ngày báo trước của NLĐ trong trường hợp này là ngày làm việc.

Như vậy, nếu ông đã có văn bản thông báo nghỉ việc gửi người sử dụng LĐ, thì khi hết thời hạn 45 ngày làm việc kể từ thời điểm gửi đơn, ông có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Theo: Báo Lao Động

 

Translate »