Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp khi sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ thủ tục đăng ký BHXH lần đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
Có 3 nhóm đối tượng doanh nghiệp phải tham gia BHXH
Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chi tiết các đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, trong đó có 03 nhóm đối tượng mà hầu hết các doanh nghiệp đều phải đóng BHXH cho họ. Đó là:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương.
Với quy định này, gần như toàn bộ những lao động đang làm việc hiện nay đều được tham gia BHXH.
Thủ tục đăng ký BHXH lần đầu
Theo Quyết định 772/QĐ-BHXH, trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục đăng ký BHXH cho người lao động.
Về hồ sơ đăng ký
* Đối với người lao động:
Người lao động nộp cho người sử dụng lao động 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS)
– Trường hợp được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn thì bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
* Đối với người sử dụng lao động:
Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động tập hợp cùng các giấy tờ:
– Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS)
– Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-TS)
– Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Lưu ý: Thành phần hồ sơ nêu trên nếu không quy định là bản chính thì có thể nộp bản chính, bản sao kèm bản chính để đối chiếu, bản sao được chứng thực hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc.
Về trình tự thực hiện
Bước 1. Nộp hồ sơ
– Doanh nghiệp lựa chọn nộp hồ sơ theo một trong các hình thức:
+ Qua giao dịch điện tử;
+ Qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Trực tiếp tại cơ quan BHXH.
– Trường hợp thực hiện giao dịch điện tử: Doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN; Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN.
– Trường hợp thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp thì doanh nghiệp nộp cho cơ quan BHXH quận/huyện nơi có trụ sở. Lưu ý: Chi nhánh của doanh nghiệp thì đóng BHXH tại địa bàn nơi cấp giấy phép kinh doanh cho chi nhánh.
Bước 2. Nhận kết quả giải quyết
Doanh nghiệp nhận Sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế sau 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo các hình thức đã đăng ký.
Có thể thấy, thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu khá đơn giản so với các thủ tục hành chính hiện nay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tuân thủ nghiêm việc tham gia BHXH cho người lao động nếu không muốn bị phạt.
(Nguồn. Luatvietnam)