Tham gia bảo hiểm xã hội vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người lao động. Thế nhưng, vẫn có trường hợp người lao động và doanh nghiệp cố tình không đóng. Trong trường hợp này, người lao động và doanh nghiệp bị phạt thế nào?
Mức phạt với người lao động
Bảo hiểm xã hội có bản chất là sự bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, về hưu… Chính vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và yêu cầu tất cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải tham gia.
Hàng tháng, người lao động phải đóng 9% tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, hành vi người lao động bắt tay thỏa thuận với doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng, đồng thời bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng.
Mức phạt với doanh nghiệp
Nếu như người lao động chỉ phải đóng 9% tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì doanh nghiệp phải đóng 18,5%. Do đó, thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp “trốn” nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ chịu mức phạt nghiêm khắc. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 18% – 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng;
– Bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng;
– Bị buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.
Như vậy, trong trường hợp người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận về việc không đóng BHXH thì cả người lao động và doanh nghiệp đều bị phạt. Trường hợp người lao động muốn đóng nhưng doanh nghiệp cố tình không đóng thì chỉ doanh nghiệp chịu phạt.
Nguồn: LuatVN.vn