Việc hưởng trợ cấp BHXH một lần có thể giúp giải quyết khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài sẽ bất lợi cho người lao động và tạo gánh nặng cho xã hội. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, nhấn mạnh điều này khi trao đổi về những thay đổi của Luật BHXH.

Bảo hiểm xã hội

Phóng viên: Những ngày qua, nhiều lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM bày tỏ lo lắng về việc Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) hủy bỏ quy định về việc hưởng trợ cấp BHXH một lần (sau 1 năm nghỉ việc) đối với người lao động(NLĐ) có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Việc này sẽ thu hẹp quyền lợi của NLĐ, thưa ông?

– Ông Nguyễn Đăng Tiến: Từ năm 2007, do nhận thức chưa đầy đủ về chính sách BHXH nên tại TP HCM, số lượng lao động tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 1 năm nghỉ việc, làm thủ tục hưởng trợ cấp BHXH một lần khá lớn (khoảng 120.000 trường hợp/năm). Việc này giúp NLĐ giải quyết một phần khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài sẽ bất lợi cho NLĐ và tạo gánh nặng cho xã hội khi NLĐ không đủ điều kiện hưởng hưu trí, BHYT lúc hết tuổi lao động.

Nhận thức được vấn đề này, nhiều năm qua, BHXH TP HCM đã tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích chính sách BHXH đến NLĐ. Kết quả, số người xin hưởng trợ cấp một lần giảm đáng kể: năm 2013 có 69.835 người, năm 2014 giảm còn 63.628 người.

Bên cạnh đó, những nhà lập pháp đã thấy vấn đề này từ lâu nhưng chưa thể đưa vào luật vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là khi thôi việc, NLĐ không có nguồn thu nhập nào khác trong thời gian tìm việc làm mới. Tuy nhiên từ năm 2009, khi mất việc, NLĐ đã có trợ cấp thất nghiệp nên việc bãi bỏ quy định nói trên là phù hợp, vừa không gây khó cho NLĐ vừa hướng NLĐ đến sự thụ hưởng quyền lợi hơn hẳn và lâu dài là chế độ hưu trí.

Một thực tế khác là hiện có khá nhiều NLĐ, trong đó không ít lao động có thời gian tham gia BHXH đủ 19 năm, không muốn tham gia BHXH đến khi nghỉ hưu mà muốn hưởng chế độ một lần trước thời điểm luật mới có hiệu lực bởi cho rằng cách tính lương hưu của Luật BHXH mới gây thiệt thòi. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

– Việc thay đổi cách tính bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu chỉ áp dụng cho đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này. Với những lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định có thời gian tham gia BHXH 19 năm, có nghĩa đã tham gia BHXH từ năm 1995 hoặc 1996 thì cách tính lương hưu cũng không thay đổi, tức là tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH trong 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Còn NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì không thay đổi, vẫn là bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia BHXH. Khi đủ điều kiện hưởng hưu trí, NLĐ sẽ có nhiều quyền lợi: Được nhận lương hưu hằng tháng, được hưởng BHYT; trợ cấp tử tuất, mai táng…

Bên cạnh đó, Chính phủ còn quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm quyền lợi cho người hưu trí. Thiết nghĩ, NLĐ nên cân nhắc trước khi quyết định để tránh ảnh hưởng quyền lợi về sau.

Bảo đảm công bằng giữa đóng và hưởng

Đối với ý kiến cho rằng quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) đã thu hẹp quyền lợi của NLĐ. Cụ thể trước đây, NLĐ có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đủ 3 năm sẽ được hưởng 6 tháng trợ cấp nhưng nay để hưởng mức này phải có 6 năm tham gia BHTN, ông Nguyễn Đăng Tiến giải thích: Việc điều chỉnh này ở Luật Việc làm là nhằm bảo đảm sự công bằng giữa đóng và hưởng. Với quy định cũ, dù NLĐ có thời gian đóng BHTN chênh lệch rất nhiều nhưng mức hưởng lại bằng nhau. Ví dụ: người có đủ 36 tháng với người có 71 tháng đóng BHTN có mức hưởng như nhau là 6 tháng.

Theo bhxhtphcm