Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Phú quý giật lùi?

Đã được trình Quốc hội nhiều lần, nhưng tại Kỳ họp lần thứ bảy này, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi tiếp tục nhận được những ý kiến phản đối mạnh mẽ của đại biểu Quốc hội.

“Sửa đổi Luật BHXH là điều cần thiết, vì đây là điều luật quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội của hàng triệu lao động. Tuy nhiên, xã hội đi lên, mà chính sách xã hội lại đi xuống, càng sửa càng giảm quyền lợi của người lao động là không được. Không ai làm chính sách xã hội kiểu phú quý giật lùi như vậy”, đại biểu Ngô Ngọc Bích thẳng thắn.
luat-bh
     Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi tiếp tục nhận được những ý kiến phản đối mạnh mẽ của đại biểu Quốc hội    
Các điều khoản sửa đổi khiến đại biểu bức xúc nhất là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và giảm phần trăm lương hưu của người lao động, với lý do để chống vỡ quỹ BHXH, đi ngược lại với các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện tuổi đời hưởng lương hưu của lao động là cán bộ, công chức, viên chức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam và từ năm 2020 trở đi, các lao động khác cũng áp dụng quy định này.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động, tức là gây thêm thiệt thòi cho người lao động, nếu so với quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành.

Chưa hết, theo Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016, để được hưởng 45% mức lương bình quân đóng BHXH khi nghỉ hưu, người lao động phải có đủ 16 năm đóng BHXH và tăng lên mỗi năm để đến năm 2020 phải có đủ 20 năm đóng BHXH. Ngoài ra, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%, thay vì 1% lương hưu như hiện nay.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, vỡ quỹ BHXH hay không là do quản lý, chứ không phải do người đóng. Cách tính này là không đúng, khi chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn, trong khi mới có hơn 10 triệu lao động trong tổng số 18 triệu lao động thuộc diện bắt buộc tham gia đóng BHXH.

Ông Vở cho biết, theo khảo sát, tiền lương đóng BHXH hiện chỉ bằng 66% mức lương thực lĩnh. Tình trạng nợ đọng BHXH cũng đã thành “đại dịch” khi lên tới hơn 10.000 tỷ đồng…

“Vì vậy, lý do vỡ quỹ để sửa luật là không phù hợp, việc nâng tuổi cũng không phù hợp”, ông Trương Văn Vở phản bác và cho rằng, Luật phải xây dựng để khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm hiện nay, bởi gốc rễ vấn đề là nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH, chứ không liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu.

“Tại sao thế giới đang phấn đấu giảm tuổi nghỉ hưu, trong khi ta lại đề xuất tăng?”, đại biểu Hồ Trọng Ngũ đặt câu hỏi và cho rằng, phần đông lao động chân tay chỉ muốn rút ngắn tuổi hưu, càng sớm càng tốt, vì thế, cần theo nguyên tắc đóng tự nguyện và có sự linh hoạt. Song song với đó, cần tối ưu hóa quỹ BHXH, đồng thời quản lý chặt chi tiêu.

Góp ý cho Luật BHXH sửa đổi, ngoài lý do “luật con” không thống nhất với “luật mẹ”, đại biểu Phùng Đức Tiến cũng không đồng tình với việc nâng tuổi hưu, vì tuổi thọ tăng không đồng nghĩa với việc sức khỏe người Việt Nam được cải thiện đủ để kéo dài thời gian lao động, ngay cả với lao động trí óc trong nhiều lĩnh vực. Đó là chưa kể, hàng năm, cả nước có trên 1 triệu người bước vào tuổi lao động, trong số đó nhiều người có trình độ cao, được đào tạo tốt, nhưng không có việc làm. Như vậy, tăng tuổi hưu sẽ làm tăng gánh nặng lên vấn đề giải quyết việc làm, cung – cầu lao động.

Theo Phan Long -Bao dau tu