Một số điểm cần lưu ý về đóng bảo xã hội, bảo hiểm y tế năm 2014

Theo quy định tại Quyết định 1111/QĐ-BHXH, bắt đầu từ tháng 01/2014 mức đóng Bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng thêm 2%, mức đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Kinh phí công đoàn cũng có sự thay đổi như sau:
bao hiem xa hoi, bao hiem y te

Bảo hiểm xã hội (BHXH) 26% : Doanh nghiệp đóng 18% tính vào chi phí ; Người lao động là 8%
Bảo hiểm y tế (BHYT) 4.5% : Doanh nghiệp đóng 3% tính vào chi phí ;Người lao động là 1.5%
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 2% : Doanh nghiệp đóng 1%tính vào chi phí ;Người lao động là 1%
Kinh phí công đoàn (KPCĐ) 2%: Doanh nghiệp đóng hết (lưu ý theo NĐ 191/2013/NĐ – CP ban hành ngày 25/11/2013 chính thức có hiệu lực ngày 10/01/2014, DN không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cũng sẽ phải thực hiện nộp kinh phí công đoàn)

Như vậy tổng mức phải trích là 34,5%, trong đó doanh nghiệp phải đóng là 24% được tính vào chi phí ,còn người lao động là 10,5%.

1. Bảng trích bảo hiểm cụ thể như sau:
   Tỷ lệ trích nộp các khoản Bảo Hiểm năm 2014

      Loại Bảo Hiểm tham gia        Doanh nghiệp (%)      Người lao động (%)          Cộng       
Bảo Hiểm Xã Hội 18 8 26
Bảo Hiểm Y Tế 3 1.5 4.5
Bảo Hiểm Thất Nghiệp 1 1 2
Kinh Phí Công Đoàn 2   2
Cộng 24 10.5 34.5

2. Quy định trích nộp:

– Hàng tháng chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương, tiền công tháng của những người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời trích từ tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

– Đơn vị có trách nhiệm tự kê khai, tự trích đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định hiện hành.
+ Căn cứ để xác định số tiền phải nộp: là tiền lương, các khoản phụ cấp và mức đóng theo quy định.
+ Chứng từ: bảng kê trích nộp các khoản theo lương theo mẫu quy định tại Chế độ kế toán đang áp dụng tại đơn vị.

3. Mức xử phạt:

Các trường hợp chưa đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT do đó đều bị xử phạt, cụ thể:

– BHXH, BHTN:

Theo NĐ 95/2013/NĐ – CP ban hành ngày 22/08/2013 và chính thức có hiệu lực ngày 10/10/2013 quy định rõ mức xử phạt vi phạm quy định về đóng BHXH, BHTN:

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

+ Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

+ Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

– BHYT: Mức xử phạt bằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Translate »