Niềm tự hào “Made in Việt Nam” và lòng yêu nước của doanh nhân

(Chinhphu.vn- made in vietnam) – Cái oai phong, sĩ diện của một doanh nhân không nằm ở siêu xe, ở ngôi nhà dát vàng, mà nằm ở những sản phẩm có thể nhỏ bé nhưng đàng hoàng tử tế, ở chai nước mắm đi năm châu bốn biển, ở con ốc vít đáp ứng được yêu cầu của Samsung…
Chia sẻ sau dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân với những sự kiện ồn ào, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng đã qua rồi thời của các doanh nhân vừa nóng vội thích làm những thứ hoành tráng, vừa thích phô trương trong cuộc sống thường ngày…

Yêu nước có cần “đao to búa lớn”?

Ông Lộc bắt đầu câu chuyện bằng việc điểm lại những nét mà ông cho là nổi bật trong “thời thế” hoạt động của doanh nhân hiện nay.

Trước hết, đó là những động thái mang tính đột phá trong cải cách thể chế đã được Chính phủ khởi động, mở đầu cho một làn sóng đổi mới thứ hai sau làn sóng thứ nhất xuất hiện gần 30 năm trước.

Thứ hai, đó là việc Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng thứ hai, cao hơn về chất, với việc đàm phán tham gia các Hiệp định như TPP, sau giai đoạn gia nhập WTO.

Và thứ ba, đó là sự kiện giàn khoan 981. Giàn khoan đã rút nhưng nó sẽ còn nhắc nhở chúng ta rất lâu và rất nhiều điều về tinh thần dân tộc, về lòng yêu nước.

Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã chính thức phát động chiến dịch nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo động lực cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Câu hỏi đặt ra là, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải làm gì để cùng Nhà nước, người tiêu dùng hoàn thiện “chiếc kiềng ba chân” góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia? Theo ông Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp, doanh nhân phải làm ra những sản phẩm tốt để cụm từ “Made in Việt Nam” trở nên đồng nghĩa với sự tử tế, đàng hoàng, đáng tin cậy.

Đó chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra cho doanh nhân. Hơn thế nữa, xét cho cùng, những sản phẩm đàng hoàng, tử tế đó vừa là mục đích, vừa là kết quả, cũng lại là bằng chứng thể hiện môi trường kinh doanh có tốt hay không, năng lực cạnh tranh quốc gia có cao hay không.

“Nhiều doanh nhân tuyên bố sẵn sàng đổ tiền, đổ của để xây dựng, ủng hộ biển đảo…, những điều đó cũng quan trọng nhưng cách tốt hơn, nếu không muốn nói là tốt nhất, là làm ra những sản phẩm đàng hoàng, tử tế, góp phần tạo nên sức mạnh kinh tế và từ đó, sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

“Niềm tự hào dân tộc, sức cạnh tranh phải thể hiện ở đó. Hãy đời thường hóa, cụ thể hóa lòng yêu nước chứ đừng đao to búa lớn. Nếu sản phẩm anh làm ra không có sức cạnh tranh, không có chữ tín thì lòng yêu nước của anh sẽ trở nên trừu tượng, thậm chí vô nghĩa”, vị Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Làm ra những sản phẩm tốt cũng là cách để anh đền đáp xứng đáng sự quan tâm của Nhà nước và sự ưu tiên của người tiêu dùng, nếu không, niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng, của đất nước với đội ngũ doanh nhân sẽ bị “đánh mất”.

Ông Lộc cho rằng có một lãnh thổ kinh tế Việt Nam và các thương hiệu, các sản phẩm chính là những tế bào tạo thành lãnh thổ kinh tế đó, những “công dân” bảo vệ chủ quyền kinh tế đó.

“Ít ai biết chủ nhân Samsung là ai, nhưng cả thế giới đều biết đó là thương hiệu của Hàn Quốc. Cách đây chừng mười năm, khi thăm Công ty Bitis, tôi đã viết rằng thương hiệu này không chỉ là của ông chủ mà còn là của đất nước Việt Nam khi đi ra thế giới và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, nâng niu thương hiệu ấy”.

“Khi được hỏi doanh nhân Việt Nam có điều gì, truyền thống gì quý nhất thì nhà Sử học Dương Trung Quốc đã nói là chỉ có lòng yêu nước. Chiến thắng chống ngoại xâm trước đây sẽ vẫn là niềm tự hào của dân tộc ta, nhưng “Made in Việt Nam” sẽ quyết định chiến thắng của chúng ta trong giai đoạn mới”, ông Lộc khẳng định.

Chuyện tử tế của doanh nhân

Trả lời câu hỏi làm thế nào, bắt đầu từ đâu, ông Lộc nhắc đến những câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” được dư luận quan tâm suốt thời gian qua như việc doanh nghiệp Việt không cung cấp được ốc vít cho Samsung.

Thực tế đó cho thấy trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy, từ lối nghĩ rằng cứ nhất thiết phải làm những thứ “hoành tráng”, khổng lồ sang những gì thiết thực, cụ thể.

“Nếu chỉ nhìn những cái lớn lao hoành tráng thì còn lâu ta mới theo kịp thiên hạ, mà doanh nghiệp lớn phải bắt đầu được xây từ những viên gạch nhỏ. Nếu người ta chọn tương ớt, nước mắm hay con ốc vít… của Việt Nam thì chúng ta đã chiến thắng rồi”.

Bài học của thế giới cho thấy không phải chỉ những tập đoàn lớn mới có thể chinh phục thế giới. Những người thợ thủ công ngày ngày cần mẫn gõ, đẽo vẫn có thể tạo nên bộ phận không thể thiếu và không thể thay thế của tàu vũ trụ.

Ông Lộc nhấn đi nhấn lại quan điểm rằng không nhất thiết phải “ra khơi” với những sản phẩm, doanh nghiệp hoành tráng; các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tham gia cuộc chơi toàn cầu, bằng cách đi vào những thị trường ngách, những sản phẩm vừa tầm tay. Ông nhắc đến một doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM đã xuất khẩu hàng nghìn tấn… dây thun đi các nước từ Á, Âu và Mỹ, giúp ông chủ trở thành triệu phú đô-la.

Không khó để thấy đặc điểm đất nước cũng ủng hộ hướng đi này, khi những nét đa dạng, phong phú về khí hậu, văn hóa, thổ nhưỡng, sinh học và lịch sử là điều kiện để Việt Nam phát triển các sản phẩm đặc sắc, riêng có của mình, nhất là trong các lĩnh vực du lịch hay nông nghiệp…

Một mặt khác, trong khi cố gắng tìm ra hướng đi “không lặp lại” cho riêng mình, chúng ta phải tuyệt đối chấp nhận những chuẩn mực chất lượng quốc tế đã được thừa nhận.

“Không nên thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, nhưng cũng không thể đứng “một mình một chợ” về tiêu chuẩn chất lượng. Sản phẩm phải khác biệt và có thể nhỏ bé, nhưng chất lượng phải đạt đẳng cấp quốc tế thì mới có thể cạnh tranh được”, ông Lộc khẳng định và nhắc lại rằng, “chuẩn mực quốc tế” cũng chính là chìa khóa, là động lực để Chính phủ tiến hành những động thái cải cách mạnh mẽ gần đây.

Một sản phẩm tử tế, đàng hoàng theo ông Lộc, không chỉ có chất lượng tốt và giá thành phù hợp, mà còn phải là một sản phẩm “đẹp”, đẹp theo nghĩa tinh thần. Nhắc lại câu chuyện dân gian “nàng Bân may áo cho chồng” làm cảm động cả trời đất, ông Lộc cho rằng từng sản phẩm phải được làm ra một cách nhân văn.

“Nếu quá trình sản xuất không quan tâm đến môi trường, quan tâm không đầy đủ đến người lao động thì những người tiêu dùng sẽ cảm thấy hổ thẹn khi sử dụng và họ sẽ nói không với sản phẩm đó”.

Ông cho rằng phải làm thế nào để sự tử tế đó trở thành một “đặc tính” của những sản phẩm “Made in Việt Nam”, nhất là khi có những quốc gia mà hình ảnh và sản phẩm của họ đồng nghĩa với sự kém tin cậy.

“Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy đăng ký ít nhất một sản phẩm “Made in Việt Nam” và tuyên thệ với đất nước, xã hội rằng sản phẩm này là đàng hoàng, tử tế. Liệu chúng ta phát động được một phong trào như vậy không?”, ông Lộc đặt vấn đề.

Hơn một trăm năm trước, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã nói thay thế hệ doanh nhân đầu tiên, rằng “Tôi chọn con đường trở thành doanh nhân để làm sao Hà Nội đẹp như Paris”. Chủ tịch VCCI đã liên hệ khát vọng đó với câu chuyện về chàng trai nọ ở Bình Định quyết định về quê làm nước mắm sau khi tốt nghiệp đại học.

Ông vô cùng ấn tượng với khát vọng giản dị mà lớn lao của chàng trai: Muốn được gắn tên với mắm cả đời để ai cũng biết đến mắm của mình.

“Từ những giọt nước sẽ làm nên biển cả”, ông Lộc kết lại để khẳng định niềm tin vào một giai đoạn phát triển mới của doanh nhân và của đất nước.

nguoi-viet-hang-vietTheo Hà Chính baodientu.chinhphu.vn

Translate »