Svg%3E

Sửa đổi Bộ Luật Lao động: Phải bám sát đời sống

NLD – Việc tăng tuổi hưu hay tăng giờ làm thêm cần nghiên cứu kỹ từ thực tế cuộc sống người lao động trước khi đưa vào luật

 

Nhiều ý kiến góp ý, đề xuất sát sườn với thực tế đời sống người lao động (NLĐ) và quá trình vận dụng Bộ Luật Lao động (BLLĐ) vào thực tiễn thời gian qua đã được đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) TP HCM thẳng thắn chia sẻ tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây.

Nên đưa bữa ăn giữa ca vào luật

Tại hội nghị, nội dung về thương lượng bữa ăn giữa ca được nhiều cán bộ CĐ quan tâm. Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, cho biết hiện nay các nội dung thương lượng của luật không bao gồm bữa ăn giữa ca cho nên khi đưa mục này vào quá trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể, một số chủ doanh nghiệp (DN) đã thẳng tay gạt bỏ. “Khi không thương lượng được, chủ DN muốn cho bữa ăn giữa ca bao nhiêu thì cho dẫn đến tình trạng bữa ăn chỉ có giá 11.000-12.000 đồng/suất. Sau khi trừ chi phí, thuế GTGT thì giá trị bữa ăn chỉ còn mấy ngàn đồng/suất, thử hỏi sao bảo đảm chất lượng được? Vì vậy, tôi kiến nghị nên bổ sung nội dung thương lượng bữa ăn giữa ca vào luật” – ông Đô kiến nghị.

8 9 chot 1489244441725

Các đại biểu nêu ý kiến góp ý tại hội nghị

 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện, một suất ăn giữa ca có giá từ 12.000-13.000 đồng/suất. Nếu đơn vị cung cấp suất ăn lấy lợi nhuận ít thì chất lượng bữa ăn còn tạm được, còn nếu lợi nhuận nhiều thì mỗi suất ăn chỉ còn khoảng 8.000 đồng/suất. Với giá tiền đó, làm sao cung cấp đủ chất dinh dưỡng để NLĐ tái tạo sức lao động? Từ phân tích đó, ông Sang cho rằng ban soạn thảo luật hoặc Chính phủ nên nghiên cứu đưa vào luật hoặc có văn bản chỉ đạo việc thực hiện bữa ăn giữa ca tương tự như việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm để có cơ sở buộc DN thực hiện.

Tăng ca: “Buộc” chứ không phải “muốn”

Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi, trong đó có tăng giờ làm thêm lên tối đa là 600 giờ/năm. Ban soạn thảo luật cho rằng đã căn cứ theo kiến nghị của DN và đáp ứng nhu cầu muốn làm thêm để tăng thu nhập của đa số NLĐ. Tuy nhiên, đa số đại biểu tham dự hội nghị đều không đồng tình với quan điểm này. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 12, khẳng định không có NLĐ nào “muốn” làm thêm giờ mà họ “buộc” phải làm thêm vì mức lương quá thấp. Bên cạnh đó, dù luật có quy định rõ DN phải thỏa thuận việc làm thêm giờ với NLĐ song thực tế NLĐ hoàn toàn không có quyền quyết định vấn đề này. Ngược lại, DN đã dùng nhiều hình thức, biện pháp ép NLĐ làm thêm giờ. Chưa hết, theo bà Nga, việc ban soạn thảo luật đưa ra mức làm thêm giờ ở các quốc gia khác để so sánh với số giờ làm thêm ở nước ta là thiếu cơ sở. “Khi đưa ra vấn đề này cần dẫn chứng thêm tổng thời gian làm việc bình thường của NLĐ ở các quốc gia ấy như thế nào, nhiều hay ít hơn ở Việt Nam thì mới có cơ sở thuyết phục. Từ những phân tích trên, tôi giữ quan điểm giữ nguyên số giờ làm thêm như hiện nay” – bà Nga nhấn mạnh. Còn theo ông Phạm Nam Thắng, cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức, việc điều chỉnh thời gian tăng ca cần cân nhắc kỹ sao cho NLĐ có đủ thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Song song đó, cần nâng cao chế tài xử phạt việc tăng ca quá thời gian quy định để bảo đảm DN thực hiện đúng số giờ tăng ca và tránh trường hợp NLĐ bị ép phải làm thêm giờ.

Tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ BHXH: Vô lý!

Nhiều đại biểu cũng thẳng thắn phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ. Ông Trần Lê Duy Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty Dệt may Gia Định, cho biết từ trước đến nay ở công ty ông chưa có trường hợp nữ lao động trực tiếp nào làm việc đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi). Ông Sơn chia sẻ: “Thông thường, đến 45 tuổi là NLĐ không thể đảm đương được công việc đứng máy, chúng tôi phải chuyển qua làm những công việc phụ trợ khác thì họ mới cầm cự đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Từ thực tế trên, tôi cho rằng nên giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu như hiện nay”.

Cũng thống nhất ý kiến không tăng tuổi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Nga nhận định cơ sở mà ban soạn thảo luật đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu chưa phù hợp. Bà Nga cho rằng không thể lấy tuổi thọ bình quân và việc tăng tuổi thọ hằng năm của NLĐ làm cơ sở có tính quyết định để tăng tuổi hưu. Mặt khác, cũng không thể đặt trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ BHXH lên vai NLĐ mà cần xem lại việc quản lý, sử dụng và đầu tư quỹ BHXH đã phù hợp chưa.

“Ngoài ra, có một căn cứ rất quan trọng mà ban soạn thảo không đề cập tới chính là liệu NLĐ có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc khi ở độ tuổi 55 với nữ và ngoài 60 tuổi với nam?” – bà Nga nêu vấn đề.

Bài và ảnh: MAI CHI
Translate »