Như tin đã đưa, năm 2020, việc cấp Căn cước công dân sẽ được thực hiện thống nhất trên cả nước, thay vì một số tỉnh, thành như trước đây. Vậy những người đổi Chứng minh nhân dân (CMND) sang Căn cước công dân sẽ phải đổi sổ BHXH?
Đồng loạt cấp Căn cước công dân tại 63 tỉnh, thành
Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định:
Công dân từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp Căn cước công dân thay cho CMND.
Với những địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thì chậm nhất từ ngày 01/01/2020, công tác quản lý công dân phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Điều này đồng nghĩa với việc, từ 01/01/2020, Căn cước công dân sẽ được cấp trên cả nước, thay vì 16 tỉnh, thành phố như trước đây.
Cũng theo Luật này, cụ thể tại Điều 23, các trường hợp phải đổi CMND sang Căn cước công dân trong năm 2020 bao gồm:
– Công dân vừa đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi hoặc đủ 60 tuổi, trừ trường hợp Căn cước công dân đã được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước các mốc tuổi quy định;
– CMND hết hạn;
– Mất CMND;
– CMND hư hỏng, không sử dụng được;
– Thay đổi họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh;
– Thay đổi đặc điểm nhận dạng;
– Xác định lại giới tính;
– Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Khi công dân có yêu cầu.
Đổi Căn cước công dân có phải đổi sổ BHXH?
Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH như sau:
– Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng;
– Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch.
Với quy định này, có thể thấy, không ghi nhận trường hợp cấp lại sổ BHXH khi đổi CMND sang Căn cước công dân.
Trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND có nêu:
Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số CMND, ngày cấp, nơi cấp Giấy CMND, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.
Như vậy, khi người lao động thay đổi từ CMND sang Căn cước công dân hoặc thay đổi thông tin trên các loại thẻ này đều không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ BHXH.
Tuy nhiên, số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Chính vì vậy, người lao động nên lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS) để cơ quan BHXH cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.