Thời gian hưởng chế độ ốm đau tính theo số năm đóng BHXH

Bà Lưu Thiên Hương làm việc trong cơ quan Nhà nước, đóng bảo hiểm xã họi được 20 năm. Vừa qua bà Hương bị viêm dây thanh quản, theo chỉ định của bác sĩ bà phải mổ dây thanh quản.
Bà Hương muốn được biết, sau khi mổ thời gian nghỉ để điều trị bệnh của bà được tính như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) trả lời:

Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành thì người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công chức, viên chức Nhà nước làm việc trong điều kiện bình thường bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế được hưởng chế độ BHXH.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm tính theo ngày làm việc và theo số năm đã đóng BHXH.

Cụ thể: 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành (hiện nay quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28/10/2013 của Bộ Y tế) thì được hưởng tối đa không quá 180 ngày trong một năm và hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn .

Ngoài ra, trường hợp người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày nếu ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày nếu phải phẫu thuật và bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Với quy định nêu trên, đề nghị bà Lưu Thiên Hương đối chiếu thực tế về thời gian đóng BHXH, số ngày nghỉ ốm đã nghỉ trong năm và bệnh cần điều trị theo kết luận của cơ sở y tế (xem có thuộc bệnh cấn chữa trị dài ngày) để xác định thời gian được tính hưởng BHXH khi điều trị bệnh.

Theo Chinhphu.vn