08 Chính Sách Tiền Lương Mới Được Áp Dụng Từ 1/1/2021

08 chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021

Cụ thể từng chính sách :

1. Không còn lương tối thiểu ngành.

– Mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

– Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

– Không còn khái niệm “Mức lương tối thiểu ngành”.

2. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng nếu không trả đủ lương.

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ Luật Lao Động 2019, thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ tiền lương hoặc trả tiền lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành Điểm a Khoản 2 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định phải báo trước 3 ngày).

3. Thêm trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương.

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:

– Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

– Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Điều 116 Bộ luật Lao động 2012, từ năm 2021, trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương.

4. Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương.

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp (hiện Bộ luật lao động 2012 không có quy định này).

Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của người lao động hay không sẽ phụ thuộc vào 02 yếu tố:

– Việc ủy quyền phải hợp pháp;

– Người sử dụng lao động đồng ý, bởi Luật quy định người sử dụng lao động “có thể” trả cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.

5. Trả lương qua thẻ ATM, người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản.

Khi trả lương qua tài khoản ngân hàng, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản. Tuy nhiên việc trả các loại phí liên quan đến mở tài khoản và phí chuyển tiền là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.

6. Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty.

Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Và không được ép buộc người lao động chi tiêu tiền lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

7. Thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương.

Từ năm 2021, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

8. Phải đền bù cho người lao động nếu chậm trả lương.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả tiền lương đúng hạn cho người lao động thì không được chậm quá 30 ngày.

Nếu bị trả tiền lương chậm từ 15 ngày trở lên người lao động được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả tiền lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019.